Việt Nam
RSS

Blog

Chiến tranh thương mại khiến hàng điện tử công nghệ Trung Quốc sang Mỹ giảm hơn 60%
Chiến tranh thương mại khiến hàng điện tử công nghệ Trung Quốc sang Mỹ giảm hơn 60%

Chiến tranh thương mại khiến hàng điện tử công nghệ Trung Quốc sang Mỹ giảm hơn 60%

 

 

KTSG Online) – Bốn năm sau cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đánh mất đáng kể thị phần xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (IT) và điện tử tiêu dùng sang Mỹ. Mexico và Đài Loan thay thế phần lớn khoảng trống thị phần mà Trung Quốc để lại.

 

Năm 2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức thuế 25% đối với các máy chủ, modem, bộ định tuyến, tai nghe không dây và đồng hồ thông minh do Trung Quốc sản xuất khi ông tung đòn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

 

Kể từ đó, nhập khẩu các thiết bị phần cứng IT và sản phẩm điện tử tiêu dùng của Mỹ từ Trung Quốc giảm 62%, trong khi, nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới tăng thêm hơn 60%, theo một báo cáo nghiên cứu công bố hôm 20-10.của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), có trụ sở ở Washington.

 

 

Theo PIIE, thị phần nhập khẩu của Mỹ đối với các sản phẩm này từ Trung Quốc giảm gần 2/3, từ 38% xuống còn 13% trong 4 năm qua. Trong cùng kỳ, Mexico và Đài Loan vươn lên trở thành các nhà cung cấp lớn đối với Mỹ trong lĩnh vực IT và điện tử tiêu dùng.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn sự mất mát nhập khẩu các sản phẩm chip cấp thấp của Trung Quốc. PIIE cho biết Trung Quốc chiếm 47% lượng chip nhập khẩu của Mỹ trước tháng 7-2018, nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống còn 39% ngay sau khi thuế quan được áp dụng.

Các nhà máy bán dẫn của Trung Quốc sản xuất một lượng lớn chip cơ bản, còn được gọi là chip truyền thống , có tỷ suất lợi nhuận thấp. PIIE cho biết những sản phẩm này không còn hấp dẫn đối với những gã khổng lồ sản xuất chip như TSMC của Đài Loan hay Samsung của Hàn Quốc, những công ty đang chú trọng sản xuất những con chip cao cấp hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn.

“Khi những sản phẩm chip truyền thống này không còn biên lợi nhuận cao để khuyến khích sản xuất, và nếu Mỹ không muốn nhập khẩu chúng từ Trung Quốc, thì ai sẽ sản xuất chúng? Đó là câu hỏi mà người tiêu dùng công nghiệp của Mỹ, như lĩnh vực ô tô, phải đối mặt vì họ vẫn cần một lượng lớn loại chip này”, PIIE cho biết.

Ngành ô tô đang phải cắt giảm quy mô sản xuất do tình trạng thiếu chip toàn cầu. Nguồn cung chip bắt đầu giảm vào thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19 do hàng loạt nhà máy sản xuất chip đóng cửa. Doanh số bán các thiết bị điện tử tăng vọt sau đó, do các công ty chuyển sang hình thức làm việc từ xa, dẫn đến tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng.

Báo cáo của PIIE cho biết, bất chấp mức thuế cao, nhập khẩu thiết bị tập thể dục và pin lithium của Mỹ từ Trung Quốc vẫn tăng đáng kể. Trung Quốc hiện chiếm hơn 50% thị phần nhập khẩu của Mỹ cho cả hai sản phẩm này, nhờ nhu cầu tăng cao đối với máy chạy bộ, máy tập chèo thuyền và xe điện của người tiêu dùng Mỹ.

Các sản phẩm của Trung Quốc được Mỹ miễn thuế, bao gồm máy tính xách tay, màn hình máy tính, điện thoại, máy chơi game và đồ chơi, hiện chiếm 27% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, tăng từ 21% trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Tuy nhiên, PIIE cho biết dữ liệu chỉ phản ánh những thay đổi về nơi lắp ráp hàng hóa nhập khẩu chứ không phản ánh bất kỳ thay đổi nào đối với hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Theo PIIE, có một số bằng chứng về sự tách rời thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ và điều này gây tổn thất cho các doanh nghiệp Mỹ lẫn Trung Quốc. Báo cáo của PIIE cho biết: “Các quyết định chính sách được đưa ra ngày hôm nay nhằm giảm bớt sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động sâu sắc đối với cả hai nền kinh tế, và cả hai bên đều không thoát khỏi sự tổn thương”.

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ cân nhắc việc rút lại một số mức thuế quan áp vào hàng hóa dưới thời Tổng thống Trump để hỗ trợ giảm lạm phát nhập khẩu. Nhưng hồi tháng 9, Nhà Trắng đã trì hoãn quyết định này.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ đã hết hạn vào cuối năm ngoái. Một báo cáo trước đây của PIIE gọi đó là một “thất bại lịch sử” vì Trung Quốc chỉ mua 57% trong tổng giá trị hàng hóa của Mỹ mà nước này đã cam kết mua hàng năm.

Cảng Liên Chiểu sẽ được khởi công cuối năm nay
Cảng Liên Chiểu sẽ được khởi công cuối năm nay

Cảng Liên Chiểu sẽ được khởi công cuối năm nay

 

 

 

(KTSG Online) – UBND thành phố Đà Nẵng vừa có công văn yêu cầu dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu phải được khởi công vào cuối năm nay.

 

Cụ thể, Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên phải khởi công, chủ đầu tư kiêm quản lý dự án, phải rà soát, xây dựng hồ sơ chặt chẽ, đảm bảo quy định của pháp luật để đấu thầu, khởi công dự án cuối năm nay.

 

Trước đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư cho phần cơ sở hạ tầng dùng chung là hơn 3.400 tỉ đồng, từ ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

 

Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bố trí gần 3.000 tỉ đồng; phần còn lại sử dụng ngân sách địa phương của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 bố trí 515 tỉ đồng và vốn ngân sách trung ương năm 2021 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31-12-2022 là 200 tỉ đồng.

 

Theo tiến sĩ Võ Duy Nghi, chuyên gia về vận tải và logistics, về phương thức lựa chọn nhà thầu, để đẩy nhanh tiến độ dự án, thành phố nên chọn hình thức đấu thầu hạn chế nhằm rút ngắn trình tự, thủ tục, đưa vào danh sách những nhà thầu thực sự có năng lực. Phương thức này sẽ rút ngắn thời gian xét thầu hơn so với phương thức đấu thầu rộng rãi mà vẫn bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch.

 

Song song với việc chọn nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng cảng, cần tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng bến cảng. Đà Nẵng cần giao cho nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, tránh giao hết cho một nhà đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền về cảng biển, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu về sau, ông Nghi nói.

 

Theo thông tin từ Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cảng Liên Chiểu như Adani (Ấn Độ), Sumitomo (Nhật Bản) hay BRG (Việt Nam).

 

Chính quyền Đà Nẵng cũng đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu. Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng tiến hành các bước đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và kêu gọi đầu tư bến cảng và dịch vụ hậu cần trong thời gian tới.

 

Theo báo cáo của JICA, sau khi cảng Liên Chiểu được đầu tư xong hạ tầng dùng chung và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025), cảng Liên Chiểu sẽ được phát triển và khai thác hai bến đầu tiên từ cuối năm 2026 hoặc 2027.

 

Sau đó, cảng Liên Chiểu sẽ có 4 bến vào năm 2031, 5 bến vào năm 2035 và 6 bến vào năm 2038. Song song đó, chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa dời đến cảng Liên Chiểu sẽ được thực hiện từ năm 2031 hoặc 2041 tùy theo tiến độ các hạng mục dự án, để “dọn đường” cho cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên đón tàu du lịch.

 

Tháng 3-2021, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng – phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc dự án nhóm A. Dự án gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mắt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU (đơn vị quy đổi tương đương 1 container 20 feet).

Cảng Chân Mây sẽ được đầu tư để đón tàu quanh năm
Cảng Chân Mây sẽ được đầu tư để đón tàu quanh năm

Cảng Chân Mây sẽ được đầu tư để đón tàu quanh năm

 

KTSG Online) – Cảng Chân Mây tại khu vực Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đầu tư mở rộng, thêm các cầu cảng để có thể tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa).

 

Thông tin này được Công ty cổ phần cảng Chân Mây đưa ra tại Lễ khởi công Dự án “Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2” tại khu bến Chân Mây thuộc cảng biển Thừa Thiên Huế sáng nay, 8-10.

 

 

Theo thông tin tại buổi lễ do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, cảng Chân Mây có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây; hội đủ các điều kiện, có khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu cỡ lớn và hiện đại của thế giới; phục vụ chuyển tiếp hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan, có vai trò điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

 

Bên cạnh đó, cảng Chân Mây là cảng biển du lịch, được Hiệp hội Du thuyền Quốc tế khu vực châu Á lựa chọn là một trong 46 cảng dừng chân ở khu vực Đông Nam Á và nằm giữa tuyến hàng hải kết nối Singapore và Hongkong (Trung Quốc).

 

Vì vậy, với tiềm năng, lợi thế, hạ tầng sẵn có và sau khi hoàn thành giai đoạn 2 dự án đê chắn sóng với chiều dài 750m và các cầu cảng tiếp theo với chiều dài đến 1.450m, cảng Chân Mây sẽ đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa).

 

Được biết, cảng Chân Mây hiện đang khai thác 2 bến với tổng chiều dài 760m, đảm bảo an toàn với độ sâu từ -9,4m đến -12,5m. Bến số 1 với 480m và bến số 2 với 280m.

 

Hàng năm, cảng Chân Mây xếp dỡ khoảng 3,5 triệu tấn hàng rời như than/xi măng clinker dăm gỗ/cát/bột sắn…

 

Cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng 50.000 DWT (Deadweight tonnage – đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu tính bằng tấn), tàu container 35.000 DWT ~ 2.600 TEU (Twenty-foot equivalent – đơn vị tương đương container 20 feet) và tàu khách đến 362 m và 225,282 GRT (Gros Register Tonnage – Dung tích đăng ký toàn phần). Cảng Chân Mây có thể đáp ứng đủ các điều kiện, khả năng làm hàng container và trở thành bến cho tàu du lịch lớn nhất và mới nhất thế giới.

 

Theo kế hoạch, năm 2022, Cảng Chân Mây sẽ đạt tổng sản lượng hàng rời 3.868.000 tấn, sản lượng hàng container đạt 20.000 TEU; doanh thu từ sản xuất kinh doanh 225 tỉ đồng

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó, sụt giảm mạnh
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó, sụt giảm mạnh

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó, sụt giảm mạnh

 

(KTSG Online) – Hàng loạt ngành hàng chủ lực hoặc hàng hóa có giá trị lớn từ Việt Nam xuất đi nhiều nước bị sụt giảm nhiều trong tháng 9 vừa qua, phần nào phản ánh bức tranh thị trường mua hàng quốc tế đang gặp khó khăn.

 

 

Báo cáo cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy hầu hết xuất khẩu các nhóm hàng trong tháng 9-2022 đều suy giảm so với tháng trước đó, trong đó giảm mạnh nhất là nhóm hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…

 

Đáng chú ý là các nhóm mặt hàng mà doanh nghiệp thuần Việt tham gia sản xuất nhiều bị sụt giảm mạnh. Đơn cử như nhóm mặt hàng may mặc, trị giá xuất khẩu trong tháng vừa qua chỉ đạt 2,72 tỉ đô la, giảm đến 31,9% so với tháng trước, tương ứng giảm 1,28 tỉ đô la.

 

Tương tự, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ trong tháng 9 vừa qua là 1,11 tỉ đô la, giảm 21%; trong khi ngành giày dép các loại xuất khẩu sụt giảm hơn nửa tỉ đô la… so với tháng trước đó.

 

Hay sản phẩm sắt thép các loại, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong cùng tháng nói trên, trị giá xuất khẩu đạt 429 triệu đô la, giảm 6,2% và trở thành tháng thứ 3 liên tiếp trị giá xuất khẩu nhóm mặt hàng này bị sụt giảm.

 

Trên thực tế, trước đó các doanh nghiệp xuất khẩu các ngành hàng này cũng đưa ra thông tin xuất khẩu đang bị sụt giảm mạnh, nhiều nhà nhập khẩu đã hủy đơn hàng đã đặt hoặc cắt giảm lượng nhập khẩu khá lớn do nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực ở các nước như Mỹ, EU… lạm phát tăng cao và kinh tế còn khó khăn.

 

Không chỉ xảy ra đối với những mặt hàng nói trên, mà theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, các nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn hoặc do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất chiếm đa số, trong cùng thời gian nói trên tình hình xuất khẩu cũng bị giảm nhiều.

 

Đơn cử như nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu nhiều nhất là điện thoại các loại và linh kiện trong tháng vừa qua bị giảm đến 18,1% (giảm đến 1,1 tỉ đô la) so với tháng trước đó, đạt trị giá gần 5 tỉ đô la.

 

Hay xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trong tháng vừa qua đạt 4,15 tỉ đô la, giảm 7,7% so với tháng trước đó.

 

Tính chung, theo cơ quan hải quan, trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 9 vừa qua đạt 29,82 tỉ đô la, giảm 14,6% so với tháng trước, tương ứng giảm 5,1 tỉ đô la về số tuyệt đối.

 

Báo cáo về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thực hiện được HS Markit công bố hôm 3-10, cho thấy tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là chậm nhất trong mười tháng và tồn kho hàng thành phẩm của doanh nghiệp tăng cao nhất trong gần một năm rưỡi.

 

Các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng cho rằng kinh doanh bị sụt giảm trên là do tình hình chung của thế giới do kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao và sự sụt giảm về sức tiêu thụ vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm hoặc có thể qua đến hết quí 1-2023.

 

Trong tương lai, nếu những xung đột trên thế giới kết thúc và lạm phát được kéo giảm thì tình hình có thể sẽ khá hơn.

 

Tính gộp cả năm, xuất siêu 6,76 tỉ đô la

 

 

Do trong hơn nửa thời gian của năm 2022, tình hình chung về xuất khẩu các ngành hàng tăng cao giá trị xuất khẩu của Việt Nam qua 9 tháng vẫn trụ ở mức cao và thặng dư thương mại đạt 6,76 tỉ đô la.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính trong 3 quí/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 557,93 tỉ đô la, tăng 15% (tương ứng tăng 72,7 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, trị giá xuất khẩu là 282,35 tỉ đô la, tăng 17,2%, tương ứng tăng 41,46 tỉ đô la so với cùng kỳ năm trước; trị giá nhập khẩu là 275,58 tỉ đô la, tăng 12,8%, tương ứng tăng 31,26 tỉ đô la. Như vậy, mức thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay là 6,76 tỉ đô la.

60% doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính qua một cửa quốc gia
60% doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính qua một cửa quốc gia

60% doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính qua một cửa quốc gia

 

 

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo kết quả khảo sát được thực hiện trên 3.000 doanh nghiệp, có khoảng 60% doanh nghiệp hài lòng việc thực hiện thủ tục hành chính qua một cửa quốc gia vì sự hiệu quả mà cơ chế mang lại.

 

Ảnh minh họa: Lê Hoàng

 

Thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí.

 

Qua khảo sát 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu về thực hiện thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, số liệu cho thấy thời gian làm thủ tục tiết kiệm từ 26-54%. Chi phí cho việc này cũng tiết kiệm từ 18-82%. Có khoảng 60% doanh nghiệp thể hiện sự hài lòng.

 

Tính đến giữa tháng 10, cơ chế một cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối; có gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 doanh nghiệp. Hiệp hội Logistics Việt Nam tính toán, trong thời gian tới, các doanh nghiệp logistics có thể tiết kiệm được 500 triệu đô la Mỹ/năm khi chuyển đổi thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng sang điện tử.

 

Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,6% so với năm trước. Còn trong 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỉ đô la Mỹ; dự kiến cả năm có thể đạt hơn 700 tỉ đô la Mỹ.

 

Theo VTV, Tổng cục Thống kê